Làm gì khi hay bị chuột rút về ban đêm
Chuột rút là hiện tượng co thắt không kiểm soát, thường xuất hiện ở các cơ, đặc biệt là ở cơ bắp chân, đùi hoặc bàn chân. Phần lớn các trường hợp, thả lỏng cơ thể, lưu thông tuần hoàn máu các chi tốt có thể giúp giảm bớt hiện tượng cơ bắp bị chuột rút. Chuột rút có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.
Ngoài ra, một số phương pháp điều trị và phòng ngừa khác có thể được áp dụng bổ sung. Nếu chuột rút chân thường xuyên xảy ra, tốt nhất nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán đầy đủ và điều trị hợp lý.
Chuột rút xảy ra ở cơ bắp chân vào ban đêm là khá phổ biến. Các cơ căng lên, gây khó chịu và cực kỳ đau đớn ở vùng cơ bị chuột rút. Chuột rút về đêm gây ra các vấn đề khác như làm gián đoạn giấc ngủ, ngủ không ngon. Điều này khiến người mắc phải cảm thấy đau cơ và mệt mỏi vào ngày hôm sau.
Nguyên nhân: Có rất nhiều nguyên nhân khiến một người có nhiều khả năng bị chuột rút về đêm. Mệt mỏi cơ bắp là nguyên nhân chính dẫn đến chuột rút. Các vận động viên có nhiều khả năng bị chuột rút chân sau khi tập luyện. Tập luyện quá sức trong thời gian dài ban ngày, có thể khiến một số người gặp phải tình trạng chuột rút nhiều hơn về đêm.
Việc không hoạt động thể chất thường xuyên khiến các cơ bắp không được co giãn có thể làm tăng nguy cơ bị chuột rút vào ban đêm. Mặt khác, các cơ ở những người ít tập thể dục có thể ngắn hơn, điều này có thể làm tăng nguy cơ chuột rút hoặc co thắt.
Ngồi hoặc nằm theo một tư thế liên tục trong thời gian dài làm hạn chế lưu lượng máu đến chân, chẳng hạn như đặt một chân lên chân kia hoặc hai chân bắt chéo, có thể dẫn đến chuột rút. Có thể thử nghiệm bằng cách nằm ngủ ở tư thế thoải mái hơn để xem điều này có làm giảm chứng chuột rút ban đêm không.
Những người lớn tuổi cũng có thể dễ bị chuột rút vào ban đêm.
Do nhu cầu dinh dưỡng tăng lên hoặc thay đổi hormon trong cơ thể khi mang thai, phụ nữ cũng có thể mắc chứng chuột rút vào ban đêm.
Ngoài ra, một số bệnh mạn tính cũng có thể khiến một người có nguy cơ bị chuột rút ở chân, chẳng hạn như: bệnh tim mạch, tiểu đường, rối loạn sử dụng rượu, suy thận, suy gan, suy giáp, hẹp ống sống thắt lưng...
Xử trí: Nếu xảy ra chuột rút vào ban đêm, cần bình tĩnh thả lỏng cơ thể để giảm các mức độ chuột rút. Một số biện pháp khắc phục tại nhà có thể thực hiện trong thời điểm này là: Duỗi cơ nhẹ nhàng, massage vùng bị chuột rút bằng tay, sử dụng con lăn để xoa bóp chân. Uốn cong và không co chân để giúp kéo dài cơ chân. Chườm bằng túi hoặc khăn ấm lên vùng bị chuột rút. Nếu chuột rút chân thường xuyên xảy ra, tốt nhất nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán đầy đủ và điều trị hợp lý.
Phòng bệnh: Để phòng chuột rút, nên tập thể dục đều đặn, thường xuyên làm lưu thông khí huyết. Nên vận động các cơ bắp thật nhẹ nhàng, nhất là buổi tối trước khi đi ngủ. Mỗi ngày nên tập vận động như đi bộ, tập xoa bóp cơ bắp, co duỗi và xoay cổ tay, cổ chân vài ba lần. Hàng ngày có thể tập xe đạp tại chỗ hoặc tập kéo căng cơ bắp chân vài phút trước khi ngủ. Không nên tắm khi nước lạnh quá, nhất là tắm ở biển, bể bơi nước lạnh. Khi làm việc nặng, ra mồ hôi nhiều, cần được bổ sung nước có pha muối ăn (tốt nhất là bổ sung dung dịch oresol). Cần uống đủ lượng nước trong 1 ngày/đêm (khoảng trên 1,5-2 lít). Nên ăn nhiều rau trong các bữa ăn chính, sau mỗi bữa ăn nên bổ sung các loại quả như: chuối, mơ, nho, đậu, bắp cải, cam, cà chua, đu đủ, xoài...để khác phục tình trạng chuột rút.