• :
  • :
TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN CHIÊM HÓA QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI CÁC MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ TRONG NHIỆM KỲ MỚI
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giành lại sự sống cho người dân bị ngưng tim do điện giật nhờ sơ cứu kịp thời

Gần đây, tại xã Hà Lang, huyện Chiêm Hóa, người dân đã phối hợp hiệu quả để cứu sống một người đàn ông bị ngưng tim do điện giật nhờ sơ cứu kịp thời tại chỗ. Theo đó, vào cuối buổi sáng ngày 09/4/2025, anh Lý Văn Văn (thôn Nà Rùng - xã Hà Lang), trong lúc rút ổ cắm điện của máy trộn bê tông, anh Văn không may bị điện giật, khiến anh rơi vào trạng thái bất tỉnh. Rất may, chị Phượng Thị Ghến hàng xóm của anh Văn nghe thấy tiếng động lạ và phát hiện sự cố. Chị nhanh chóng ngắt nguồn điện, đảm bảo an toàn cho bản thân và nạn nhân. Cùng lúc đó, anh Đoàn Văn Nam, một người hàng xóm khác, đã kịp thời có mặt và thực hiện sơ cứu ép tim ngoài lồng ngực.

Nhờ giữ được sự bình tĩnh và vận dụng đúng kỹ thuật, sau khoảng 20 phút liên tục ép tim, anh Văn có dấu hiệu hồi phục, tim đập trở lại và thở yếu. Sau đó, anh được người nhà đưa đến Trạm y tế xã Hà Lang. Sau khi đến trạm y tế, các bác sĩ đã tiến hành sơ cứu, xử lý các vết thương sát xương lồng ngực phải cho bệnh nhân và chuyển ra TTYT huyện Chiêm Hóa lúc 11h30 để tiếp tục điều trị. Sau 3 ngày điều trị tích cực tại Khoa Ngoại tổng hợp - TTYT huyện, bệnh nhân ổn định và được xuất viện.

BGĐ TTYT huyện Chiêm Hóa thăm và tặng quà cho anh Văn, chị Ghến và anh Nam

Anh Nam cho biết, mình có thể ứng phó kịp thời nhờ từng tìm hiểu kỹ năng sơ cứu qua mạng và tích cực tham gia các lớp tập huấn sơ cấp cứu do UBND xã tổ chức.

BSCKII. Hà Văn Linh – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa  chia sẻ: “Điện giật là một trong những tai nạn nguy hiểm nhất. Khi dòng điện đi qua cơ thể, nó có thể gây rối loạn nhịp tim, ngừng tim hoặc ngừng thở, thậm chí tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Vì vậy, sơ cứu đúng cách và khẩn trương là yếu tố then chốt để cứu sống nạn nhân.”

Cấp cứu ngoại viện là mắt xích vàng trong chuỗi cứu sống người bệnh – đặc biệt với các ca ngừng tim, ngừng thở do tai nạn điện giật, tai nạn giao thông hay đột quỵ. Vì vậy, việc trang bị kiến thức sơ cứu cơ bản cho mỗi người dân là vô cùng cần thiết. Các buổi tập huấn tại cộng đồng, trường học, cơ quan,… nên được tổ chức định kỳ để nâng cao khả năng phản ứng kịp thời trong các tình huống khẩn cấp, giúp giảm thiểu thương vong do tai nạn, đặc biệt là tai nạn điện giật và ngừng tuần hoàn.

Hướng dẫn sơ cứu ngừng tuần hoàn tại chỗ cho nạn nhân bị điện giật

Ngắt nguồn điện ngay lập tức:

Tuyệt đối không chạm trực tiếp vào nạn nhân nếu vẫn còn tiếp xúc với dòng điện.

Tắt cầu dao, rút phích cắm hoặc dùng vật cách điện (gậy gỗ, gậy nhựa khô) để tách nạn nhân khỏi nguồn điện.

Kiểm tra phản ứng và hô hấp:

Gọi to, lay nhẹ nạn nhân để kiểm tra mức độ phản ứng.

Quan sát lồng ngực có di động không, nghe hơi thở hoặc cảm nhận hơi thở từ mũi/nạn nhân.

Nếu nạn nhân bất tỉnh, không thở hoặc thở ngáp cá, nghi ngờ ngừng tim, cần lập tức tiến hành ép tim ngoài lồng ngực.

Thực hiện ép tim ngoài lồng ngực (CPR):

Đặt nạn nhân nằm ngửa trên mặt phẳng cứng.

Quỳ bên cạnh nạn nhân, đặt 2 tay chồng lên nhau, lòng bàn tay đặt giữa ngực (vị trí 1/2 dưới xương ức).

Dùng lực cơ thể ép xuống sâu khoảng 5–6 cm, tốc độ 100–120 lần/phút.

Không ngừng ép tim cho đến khi:

Nạn nhân có dấu hiệu sống (tự thở, cử động…),

Gọi cấp cứu sớm nhất có thể (số 115 hoặc cơ sở y tế gần nhất) trong lúc sơ cứu.

T/h: Hoàng Bình – Nguyễn Bình (TTYT huyện Chiêm Hóa)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết