Nín thở chờ đợi điều kỳ diệu đến với cụ ông nhiều “không” ở xã miền núi Tuyên Quang
Mặc dù đang được điều trị tích cực tại Khoa Ngoại, Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) nhưng ông Phùng Dùng Khèn (75 tuổi, dân tộc Dao) mắc chứng vàng da, vàng mắt kéo dài, khiến các y bác sĩ và những người có mặt tại đây nín thở, cầu mong điều kỳ diệu đến với cụ ông.
Đến xã Tân Mỹ (huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang), hỏi ông Phùng Dùng Khèn ai cũng tỏ tường, bởi hoàn cảnh của ông rất đặc biệt, không vợ, không con và cũng không thể nói được tiếng phổ thông. Nhiều năm qua, mọi sinh hoạt của ông Khèn đều nhờ vào đôi bàn tay người em trai và nguồn hỗ trợ từ Nhà nước.
Nằm trên giường bệnh Khoa Ngoại (Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa), ông Khèn thu hút mọi ánh nhìn bởi giữa thời tiết nóng nực, ông vẫn đắp trên mình 2 tấm chăn. Khi được hỏi thăm, ông Khèn lắp bắp nói gì đó, cũng chẳng thành lời.
Với ông Khèn, gia đình em trai là điểm tựa duy nhất.
Ngồi ngoài hành lang với khuôn mặt thất thần, ông Phùng Vinh Khuân (69 tuổi) - em trai ông Khèn kể: "Ông Khèn có hiện tượng vàng da, càng ngày hiện tượng vàng da càng tăng lên rồi mắt cũng vàng theo. Rồi ông ấy ngủ cả ngày lẫn đêm, hỏi thì ông bảo chỉ buồn ngủ. Cả nhà gọi dậy ăn cơm cũng không chẳng dậy. Khoảng chiều hoặc nửa đêm thì ông kêu đói, đưa cơm cho thì cũng ăn được rất ít. Lúc ngủ thì ông đắp 2 chăn bông, sờ người cũng chỉ thấy hơi nóng hơn mọi ngày. Tôi thấy không ổn nên mới đưa ông ra bệnh viện. Đến nơi thì bác sĩ không cho về nữa, ông Khèn phải ở lại để điều trị. Bác sĩ bảo lần điều trị này sẽ kéo dài và cũng chưa biết ngày nào sẽ được trở về nhà".
Ông Khuân cho biết: "Thu nhập của gia đình tôi chủ yếu dựa vào ruộng, nương. Nếu chăm sóc cẩn thận thì 2 vụ lúa nước cũng tạm đủ ăn. Thêm nữa là vụ ngô trên nương cũng chủ yếu là để chế biến rượu ngô, nên thu nhập cũng dựa chủ yếu vào từng nồi rượu. Nếu thời tiết thay đổi thất thường thì công đoạn ủ rượu thất bại. Một phần vì nghiện rượu nên ông Khèn không có sức lao động, bây giờ tuổi đã lớn, lại không vợ con nên được Nhà nước trợ cấp 405.000 đồng/tháng. Nhà cũng chỉ có hai anh em trai, nên với ông Khèn, gia đình tôi là điểm tựa duy nhất".
Cầu mong điều kỳ diệu đến với ông Khèn
BS Ma Công Thùy - Phó Trưởng khoa Ngoại (Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa) trao đổi với PV
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, BS Ma Công Thùy - Phó Trưởng khoa Ngoại cho biết, bệnh nhân Phùng Dùng Khèn nhập viện ngày 23/9 trong tình trạng sốt, kèm vàng da, mắt. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm túi mật, sỏi túi mật, sỏi ống mật chủ.
BS Ma Công Thùy nói: "Trước mắt, chúng tôi điều trị nội khoa rồi xét theo tình hình thì xử trí. Nếu việc điều trị không có kết quả, tức là các hạt sỏi không tan, da và mắt vẫn vàng thì bắt buộc chúng tôi phải mổ để cắt túi mật và tiến hành lấy sỏi ra".
Đôi tay ông Khèn với nhiều vết tiêm, truyền.
"Trước kia, những trường hợp tương tự như bệnh nhân Khèn nhập viện thì chúng tôi đều phải chuyển tuyến trên, hoặc chuyển thẳng đến các bệnh viện tuyến Trung ương. Một số trường hợp điều trị nội khoa lại cho kết quả khả quan. Tuy nhiên, do tham gia Chương trình Khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) nên vừa qua, chúng tôi đã xử trí thành công một trường hợp tương tự. Chỉ cần một bệnh nhân được các chuyên gia đầu ngành hội chẩn qua Telehealth thì chúng tôi tự tin tiến hành xử trí các ca tiếp theo", BS Ma Công Thùy vui mừng cho hay.
Nhắc lại về trường hợp bệnh nhân Phùng Dùng Khèn, BS Ma Công Thùy cho biết thêm, bệnh nhân Khèn có hoàn cảnh rất khó khăn. Không vợ con, cũng chỉ biết nói tiếng dân tộc thiểu số. Bệnh nhân có hiện tượng đau bụng lâu ngày trước đó, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên không đi khám xét sớm. Cho đến khi không thể chịu được nữa thì được người nhà đưa đến bệnh viện. Rất may là bệnh nhân có thẻ bảo trợ của Nhà nước với người có hoàn cảnh khó khăn, không ai nuôi dưỡng, nên bệnh nhân được Nhà nước chi trả từ viện phí, đến thuốc thang.
Nguồn: giadinh.net.vn