ĐỘT QUỴ NÃO – NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
Đột quỵ não đang dần trở thành một bệnh của thời đại, là bệnh đứng thứ 3 thế giới về tỉ lệ tử vong, là nguyên nhân chính gây tàn phế, di chứng nặng nề, trong đó, nhồi máu não chiếm hơn 80% tổng số các bệnh nhân đột quỵ não.
Đột quỵ não là gì?
Đột quỵ não là một hội chứng lâm sàng đặc trưng bởi sự mất đột ngột cấp tính các chức năng của não, các triệu chứng thần kinh tương xứng với vùng não do động mạch bị tổn thương chi phối, không do nguyên nhân chấn thương. Đột quỵ não gồm 2 thể: nhồi máu não (tắc mạch não) và chảy máu não (vỡ mạch máu não).
Đột quỵ não là cấp cứu thần kinh thường gặp nhất, việc phát hiện và điều trị bệnh phải được khởi động càng sớm càng tốt.
Điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết là biện pháp được khuyến cáo hàng đầu cho bệnh nhân nhồi máu não trong giai đoạn cấp, giúp giảm thiểu tỉ lệ tử vong cũng như di chứng.
Thời gian sử dụng thuốc càng sớm tỉ lệ thành công càng cao, thuốc được dùng cho bệnh nhân nhồi máu não có thời gian khới phát triệu chứng < 4.5 giờ.
* Tác dụng và hiệu quả điều trị của thuốc:
– Thuốc tiêu sợi huyết có tác dụng làm tan huyết khối (cục máu đông làm tắc dòng chảy mạch máu não và gây ra đột quỵ nhồi máu não).
– Thuốc làm tái thông mạch máu não bị tắc, làm giảm tỉ lệ tàn tật và tăng khả năng phục hồi vận động của bệnh nhân sau đột quỵ não (tăng thêm 30% tỉ lệ không tàn phế hoặc tàn phế ở mức tối thiểu).
Tuy nhiên, không phải cứ đột quỵ não là có thể dùng thuốc tiêu sợi huyết và hiệu quả điều trị không phải 100%. Nhưng thuốc tiêu sợi huyết mở ra cơ hội cho bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não. Bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này càng sớm thì càng tăng khả năng khôi phục hoàn toàn cũng như giảm tỉ lệ tàn tật mức thấp.
Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa là một trong những cơ sở đi đầu trong việc sử dụng thuốc tiêu sợi huyết cho những bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não giai đoạn cấp. Tại đây, sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch đã trở thành phương pháp thường quy cho những bệnh nhân nhồi máu não cấp có chỉ định trong vòng 4,5 giờ từ khi khởi phát đột quỵ.
Khi phát hiện các triệu chứng nghi ngờ đột quỵ não (VD: ý thức giảm đột ngột, nói ngọng, méo miệng, tê bì hoặc yếu một bên cơ thể, giảm hoặc mất thị lực, đau đầu, chóng mặt dữ dội….) người nhà cần đỡ để họ không bị té ngã là điều cần làm đầu tiên khi sơ cứu người bị đột quỵ.
Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo thì cần để bệnh nhân nằm yên và nhanh chóng gọi xe cấp cứu đưa bệnh nhân đến bệnh viện có khả năng điều trị đột quỵ gần nhất.
Nếu bệnh nhân hôn mê: Cần xem bệnh nhân thở bình thường, thở nhanh, thở chậm hoặc ngưng thở. Nếu ngưng thở thì cần hô hấp nhân tạo nhằm kịp thời cung cấp oxy cho não.
Những điều không được làm khi người thân bị đột quỵ
Không được tự ý điều trị cho bệnh nhân dù chỉ là bấm huyệt, châm cứu, đánh gió vì những động tác này có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh và làm mất thời gian vàng điều trị.
Không cho bệnh nhân ăn uống và đề phòng nôn trào ngược, bệnh nhân hít chất nôn hoặc thức ăn vào đường thở sẻ rất nguy hiểm.
Không tự ý sử dụng các loại thuốc cấp cứu điều trị mà không có chỉ định của bác sĩ, kể cả aspirin. Nếu người bệnh bị đột quỵ xuất huyết não, sử dụng aspirin có thể gây nguy hiểm. Hoặc người nhà bệnh nhân có thể gọi ngay đến Trung tâm y tế huyện Chiêm Hóa theo đường dây nóng: 02073.851.110 để được hướng dẫn sơ cứu, vận chuyển bệnh nhân đến Trung tâm trong thời gian sớm nhất. Tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra./
Bác sỹ Ma Văn Huân – Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực, Chống độc - Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa