• :
  • :
TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN CHIÊM HÓA QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI CÁC MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ TRONG NHIỆM KỲ MỚI
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CẢNH BÁO NGUY CƠ MẤT AN TOÀN LAO ĐỘNG DO SỬ DỤNG MÁY PHỤC VỤ TRONG SẢN XUẤT

Hiện nay, đa số người dân đã ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật vào trong lao động sản xuất, góp phần mang lại năng suất, hiệu quả cao. Tuy nhiên, việc này đã khiến một bộ phận người dân phải đối mặt với những rủi ro về an toàn lao động.

Tại khoa Ngoại tổng hợp, Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hoá thường xuyên tiếp nhận, điều trị cho các ca bệnh do tai nạn trong sinh hoạt, lao động như bị máy cắt gạch, cắt kính, máy cắt cỏ, máy thái rau chém vào tay, chân. Điều đáng lo ngại là trong những tai nạn thương tâm này, nhiều bệnh nhân là lao động chính trong gia đình phải chịu cảnh tàn phế khi tuổi đời còn quá trẻ.

                   

Xử lý vết thương cho bệnh nhân bị tai nạn lao động

Trường hợp nam bệnh nhân 47 tuổi (xã Yên Nguyên) đến TTYT huyện Chiêm Hoá cấp cứu với chẩn đoán: Đa vết thương hở phức tạp/Tổn thương dập nát cơ quan vận động. Người nhà bệnh nhân cho biết anh bị máy cắt gạch cuốn bàn tay vào trong máy. Qua kiểm tra bàn tay trái của bệnh nhân vết thương dập nát phần mềm, nhiễm bẩn, nhiều máu cục, lẫn máu tươi, vỡ xương đốt bàn ngón 1, tổn thương gân, cơ phía lòng bàn tay. Ngoài ra còn có vết thương lòng bàn chân, vết thương đùi. Với tình trạng tổn thương phức tạp của bệnh nhân, các bác sỹ tại TTYT huyện đã tiến hành mổ cấp cứu, xử lý vết thương cho bệnh nhân.

Để tiết kiệm thời gian, công sức trong chăn nuôi, ông M.V.S, xã Tân Mỹ đã mua một chiếc máy thái rau cho gia súc, gia cầm với giá hơn 2 triệu đồng. Vào đầu tháng 11/2022, sau khi đem rau vào thái, mặc dù đã ngắt điện nhưng do chủ quan, ông S đã bị máy chém dập nát 3 ngón của bàn tay phải. Gia đình đưa ông đến TTYT huyện Chiêm Hóa để cấp cứu và được bác sĩ khoa Ngoại phẫu thuật nối ép 3 ngón tay. Mặc dù hiện nay vết sẹo đã lành nhưng ông trở thành người bị thương tật, mọi sinh hoạt, lao động gặp khó khăn hơn trước bởi bàn tay không còn nguyên vẹn. Trước đó, ông cũng bị mất 2 đốt ngón tay ở bàn tay trái do sử dụng máy thái chuối cho gà.

                     

Mổ cấp cứu cho nam bệnh nhân bị cuốn tay vào máy cắt gạch

Ngoài tai nạn do sử dụng máy phục vụ sản xuất, nhiều người dân còn bị nhiễm độc do chủ quan hoặc thường bỏ qua khuyến cáo của nhà sản xuất, cơ quan chuyên môn khi sử dụng tiếp xúc thuốc bảo vệ thực vật. Khi phun, một số người dân không trang bị bảo hộ lao động, vứt vỏ chai lọ thuốc bảo vệ thực vật ngổn ngang trên bờ ruộng. Điều này không chỉ gây mất an toàn đối với người sử dụng mà còn ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe của cộng đồng.

Trước thực trạng trên, để giảm thiểu tai nạn lao động ảnh hưởng sức khỏe nhân dân, khuyến cáo người dân khi sử dụng các loại máy móc trong lao động, sản xuất cần tìm hiểu rõ quy trình, nguyên tắc vận hành máy móc, thiết bị an toàn, đúng cách. Có các bộ phận che chắn an toàn để hạn chế tai nạn, tránh được những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra./

T/h: Nguyễn Bình

(Phòng TCKH-TTYT huyện Chiêm Hoá)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết