BÉ TRAI 10 TUỔI BỊ VẬT NHỌN ĐÂM THỦNG BÀN CHÂN PHẢI
TTYT huyện Chiêm Hoá đã tiếp nhận bệnh nhi M.T.K 10 tuổi (xã Hùng Mỹ) trong tình trạng bị vật nhọn đâm thủng bàn chân phải
Qua thăm khám lâm sàng cùng với hình ảnh X-quang, bác sĩ kết luận bàn chân phải trẻ bị bồ cào đâm thủng bàn chân, tổn thương gân cơ cần nhanh chóng được phẫu thuật để lấy dị vật và phục hồi thương tổn.
Ê - kíp phẫu thuật bắt đầu cắt lọc, rút dị vật, thám sát vết thương nhận thấy bệnh nhân bị đứt gân gấp ngón 5. Ê - kíp tiến hành bộc các đầu gân đứt, khâu phục hồi tổn thương gân gấp ngón 5 bằng chỉ Prolene tận - tận. Kết thúc phẫu thuật, kiểm tra gân trượt tốt, bệnh nhân được chuyển về khoa Ngoại để theo dõi. Sau 10 ngày điều trị, bàn chân của bệnh nhân đã vận động được và được xuất viện.
Bé trai 10 tuổi bị vật nhọn đâm thủng bàn chân phải
Các bác sỹ khuyến cáo, trẻ nhỏ thường hiếu động, chạy nhảy, tò mò khám phá môi trường sống xung quanh, tuy nhiên lại chưa có ý thức và kỹ năng phòng, tránh rủi ro có thể xảy ra nên rất dễ gặp phải tai nạn. Để phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ, cha mẹ hoặc người chăm sóc cần đánh giá, xem xét bao quát môi trường sống của con, chú ý đến tình huống nào có thể gây rủi ro cho trẻ như các đồ vật thủy tinh, vật sắc nhọn; các yếu tố nguy cơ gây bỏng như nước sôi, nồi canh, nồi cơm điện đang sôi…
Các đồ vật có nguy cơ cao cần để ngoài tầm với của trẻ và luôn để ý trẻ chơi trong tầm mắt của người lớn. Khi đưa trẻ ra ngoài môi trường sống quen thuộc, cần đặt trẻ trong sự bao quát, quan sát của người lớn. Bên cạnh đó, cha mẹ hoặc người chăm sóc cần cùng trẻ tìm hiểu, trang bị cho trẻ những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất để trẻ có thể tự bảo vệ mình trước các nguy cơ tiềm ẩn. Nếu không may bị dị vật đâm vào người tuyệt đối không rút ra. Phải dùng gạc đắp xung quanh, băng quanh vùng tổn thương, cố định vết thương và nhanh chóng đưa bệnh nhân tới các cơ sở y tế để điều trị, tránh nguy cơ đáng tiếc có thể xảy ra/.
Tư vấn chuyên môn: Bs Ma Công Thuỳ - Khoa Ngoại tổng hợp
T/h:Nguyễn Bình – TTYT huyện Chiêm Hoá)