• :
  • :
TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN CHIÊM HÓA QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI CÁC MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ TRONG NHIỆM KỲ MỚI
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

DỊCH SỐT XUẤT HUYẾT CHƯA CÓ DẤU HIỆU “HẠ NHIỆT”

 Hiện nay, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh vẫn không ngừng gia tăng. Nhiều giải pháp hạn chế số người mắc SXH đã được ngành Y tế phối hợp chính quyền các địa phương triển khai, nhưng dịch SXH vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến hết ngày 30-11, toàn tỉnh đã ghi nhận 1.238 ca mắc SXH, trong đó, thành phố Tuyên Quang 1.189 ca, huyện Yên Sơn 26 ca, huyện Na Hang 9 ca, huyện Hàm Yên 3 ca và huyện Sơn Dương 1 ca. Tại thành phố Tuyên Quang có 15/15 xã, phường đều ghi nhận ca mắc SXH. Số ca mắc liên tục tăng từ tháng 8 đến nay. Điều đáng mừng là đến nay, tất cả các ca mắc SXH đều có tình trạng bệnh diễn biến thông thường, không có trường hợp biến chứng nặng.

Bác sỹ Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa khám sàng lọc sốt xuất huyết cho người dân.

Trước sự bùng phát của dịch SXH, ngành Y tế đã triển khai nhiều giải pháp xử lý ổ dịch, giám sát các ca bệnh. Theo đó, hệ thống y tế cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức phun hóa chất diệt muỗi lần 1 cho 532 hộ, phun hóa chất diệt muỗi lần 2 cho 264 hộ, còn 652 hộ chưa được phun. Ngành Y tế cũng đã phối hợp tổ chức trên 50 đợt ra quân dọn vệ sinh môi trường diệt lăng quăng/bọ gậy; tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, ý thức phòng, chống SXH bằng nhiều hình thức như trực tiếp tại hộ gia đình, khu dân cư, gián tiếp bằng loa lưu động…

Mặc dù nhiều giải pháp đã được ngành Y tế triển khai quyết liệt, song trên thực tế tình hình dịch bệnh SXH vẫn đang diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chính được xác định là tại các địa phương vẫn còn tồn tại nhiều yếu tố nguy cơ có thể khiến dịch bệnh lan rộng. Đó là công tác vệ sinh môi trường chưa thường xuyên và quyết liệt, ý thức tự phòng tránh của người dân chưa cao. Một số nơi hiệu quả diệt lăng quăng/ bọ gậy chưa cao; vẫn còn tình trạng phòng, chống sốt xuất huyết theo phong trào, qua loa, chiếu lệ. Thời gian qua do không có thuốc phun nên số hộ có ca mắc được phun khử trùng rất thấp.

Đồng chí Nguyễn Việt Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) cho biết, chưa năm nào trên địa bàn phường ghi nhận số ca mắc SXH nhiều như năm nay, tính đến nay, toàn phường ghi nhận 192 ca mắc. Do thời gian qua không có thuốc nên đa số các hộ ghi nhận có ca mắc không được phun hóa chất diệt muỗi. Trước tình hình đó, cán bộ y tế của Trạm Y tế phường, nhân viên y tế ở các tổ đã chủ động hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch bệnh và phát tờ rơi tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về sự nguy hiểm của bệnh và tăng cường phòng tránh. Mới đây, phường vừa tiếp nhận 27 chai hóa chất diệt muỗi Permethrin  từ Trung tâm Y tế thành phố, dự kiến ngày 1-12, phường sẽ tổ chức phun hóa chất diệt muỗi và sẽ ưu tiên phun cho những hộ có ca mắc trước, sau đó, khi có thêm hóa chất sẽ tổ chức phun cho tất cả các hộ dân trên địa bàn phường.

Cán bộ Trung tâm Y tế thành phố phun diệt côn trùng phòng dịch sốt xuất huyết.

Phường Tân Quang là địa bàn ghi nhận số ca mắc SXH cao nhất với 468 ca. Do không có hóa chất phun nên đa số các hộ có ca mắc không được phun hóa chất diệt muỗi. Chị Hoàng Thị Bích Hằng, tổ 14, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) cho biết, nhà chị có 4 người thì có 3 người mắc SXH, con trai chị mắc từ ngày 12-10, đến 27-10 thì chị và con gái mắc. Tuy nhiên đến nay cũng chưa có ai đến phun hóa chất diệt muỗi cho gia đình, mặc dù chị đã cung cấp thông tin cho cán bộ y tế.

Khác với chị Hằng, chị Nguyễn Thị Mai, tổ 17, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) khi phát hiện mình mắc SXH (đầu tháng 11) đã thông báo cho tổ trưởng. Sau khi thông báo, chị được cán bộ y tế gọi điện hướng dẫn các biện pháp phòng dịch để tránh lây lan cho mọi người và chị cũng được thông báo hiện nay phường không có thuốc phun nên gia đình chị đã chủ động đi mua hóa chất diệt muỗi về phun. Rất may gia đình chị và các hộ gia đình xung quanh đến nay không ghi nhận ca mắc SXH nào.

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch SXH và dự báo trong thời gian tới số ca mắc có xu hướng gia tăng trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp: tăng cường việc kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống, hạn chế đến mức thấp nhất dịch bùng phát trên địa bàn; tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch, đảm bảo phun đúng kỹ thuật. Các biện pháp xử lý ổ dịch phải được triển khai trong vòng 48 giờ kể từ khi ổ dịch được xác định, đồng thời thực hiện đầy đủ và kịp thời các biện pháp chuyên môn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bác sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, trước tình hình dịch SXH tăng cao trên địa bàn thành phố, từ ngày 21-11 Trung tâm phối hợp với Trung tâm Y tế thành phố tổ chức ra quân phun hóa chất diệt khuẩn phòng, chống dịch bệnh SXH trên địa bàn thành phố. Theo đó, tổ chức phun chất diệt muỗi, bọ gậy và sử dụng hóa chất Cloramin B để diệt khuẩn tại các điểm tập trung đông người như bến xe, chợ, trường học... Bên cạnh đó, ngành Y tế và chính quyền các địa phương đang tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông để huy động sự tham gia của các cấp chính quyền, đoàn thể và quần chúng nhân dân tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường nhằm ngăn chặn các nguy cơ bùng phát dịch. Mới đây, Trung tâm cũng đã cấp hóa chất phun diệt muỗi cho các huyện, thành phố, theo đó cấp cho thành phố hóa chất diệt muỗi Permethrin chai 1000ml với 226 chai, hóa chất diệt bọ gậy 170 lọ thuốc; cấp Hóa chất diệt muỗi Permethrin chai 1000ml cho huyện Lâm Bình 12 chai, Yên Sơn 10 chai, Sơn Dương 20 chai, Hàm Yên 10 chai, Chiêm Hóa 5 chai và Na Hang 5 chai.

Nguồn: baotuyenquang.com.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết