MỔ CẤP CỨU THÀNH CÔNG CHO BỆNH NHÂN BỊ LÒI RUỘT RA NGOÀI THÀNH BỤNG DO TNGT
Anh Q.V.H. 37 tuổi (Bản Chẳng - xã Tân Mỹ) bị tai nạn giao thông, chấn thương bị lòi ruột ra bên ngoài thành bụng, người nhà đưa đến TTYT huyện Chiêm Hoá cấp cứu và được phẫu thuật cấp cứu kịp thời, giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch.
Lúc 21h45phút, ngày 23/12/2022, TTYT huyện Chiêm Hoá tiếp nhận bệnh nhân H. trong tình trạng có một vết thương lớn, kích thước khoảng 02x06 cm ở thành bụng làm ruột non lòi ra ngoài, thành ngực phải có vết thương sây sát. Bệnh nhân đã được xử trí băng vết thương ở trạm y tế sau đó chuyển đến TTYT huyện Chiêm Hoá cấp cứu.
Bn H. nhập viện trong tình trạng có một vết thương lớn ở thành bụng làm ruột non lòi ra ngoài
Trường hợp anh H với mức độ nghiêm trọng và yêu cầu cấp bách phải được điều trị ngay. Đến 22h30 phút cùng ngày, sau khi làm các xét nghiệm cần thiết, bệnh nhân đã được chuyển lên phòng mổ. Kíp mổ gồm có bác sỹ: Hà Xuân Tiêu- Trưởng khoa Ngoại tổng hợp mổ chính, phụ mổ bác sỹ Ma Quốc Toản – khoa Ngoại tổng hợp, gây mê bác sỹ Ma Công Cử - Trưởng khoa Liên chuyên khoa. Ê kíp phẫu thuật đã nhanh chóng tiến hành mổ cấp cứu cho bệnh nhân H. Sau 1h20 phút, ca phẫu thuật diễn ra thành công, giúp bệnh nhân vượt qua cơn nguy hiểm. Sau phẫu thuật, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và chăm sóc tại khoa ngoại.
Ca mổ đã được tiến hành ngay sau khi làm các xét nghiệm cần thiết
Theo bác sỹ Hà Xuân Tiêu – Trưởng khoa Ngoại tổng hợp thì bệnh nhân may mắn được sơ cứu đúng cách, giữ được phần tạng lòi ra không bị nhiễm trùng, băng cầm máu và đưa đến TTYT cấp cứu kịp thời.
Ca mổ thành công, bệnh nhân được điều trị và theo dõi tại khoa Ngoại
Bệnh nhân H được sơ cứu vết thương bằng cách úp chiếc bát lên trên, che phủ phần tạng và ruột xổ ra ngoài rồi băng kín là cách làm đúng. Đây được xem là phương án sơ cứu an toàn nhất cho người bệnh trong tình huống khẩn cấp, không có dụng cụ y tế.
Khuyến cáo gặp trường hợp nạn nhân bị rách thành bụng, lộ phần tạng (ruột, mạch nối lớn...) ra ngoài, người sơ cứu tuyệt đối không cố gắng đè ép, đẩy tạng vào lại bên trong, hay chà rửa phần này dù tạng có bị bẩn, dính đất, cát. Hành động này sẽ khiến phần tạng tiếp xúc với môi trường bên ngoài dễ nhiễm trùng và tổn thương nặng thêm như dập ruột gây hoại tử, khiến quá trình cấp cứu, điều trị phức tạp và kéo dài hơn.
Để giúp giảm nhiễm trùng, người sơ cứu nên dùng gạc y tế sạch đậy lên trên tạng nạn nhân và tưới nước muối sinh lý liên tục. Hoặc, có thể cơ động dùng các vật tròn, cứng cáp như chén, tô, chậu nhỏ bằng nhựa, ly thủy tinh... úp lên trên miệng vết thương rồi dùng vải, quần áo băng cố định phần bát hay dùng tay giữ chặt ngoài bát, tránh tạng xô lệch, lòi ra thêm.
Tránh mở dụng cụ sơ cứu để xem lại vết thương sau khi đã băng cố định, tuyệt đối không tưới bất kỳ loại dung dịch nào kể cả thuốc sát trùng lên bên ngoài vết thương. Trường hợp trên bụng nạn nhân vẫn còn cắm dị vật cũng không được rút ra mà cần băng cố định. Sau đó, đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị./
Tư vấn chuyên môn: BS Hà Xuân Tiêu – Trưởng khoa Ngoại TH
T/h:Nguyễn Bình
(Phòng KHNV-TTYT huyện Chiêm Hoá)